Khách Tây mua phải đôi giày 'fake' giá 1,2 triệu đồng ở chợ Bến Thành

11/04/2025
|
0 lượt xem
Thời Sự Ý Kiến
Khách Tây mua phải đôi giày 'fake' giá 1,2 triệu đồng ở chợ Bến Thành

Tôi rất đồng cảm với những chia sẻ của các độc giả trong bài viết "Món đồ 200.000 đồng bị nói thách 1,1 triệu trong chợ Bến Thành". Bản thân tôi cũng gặp phải một tình huống tương tự và cũng rơi vào cảnh dở khóc dở cười vì trở thành nạn nhân bị "chặt chém" ở chợ Bến Thành.

Mặc dù sinh sống và làm việc ở Sài Gòn, nhưng thú thực tới nay tôi ghé chợ Bến Thành đúng một lần. Đợt đó, tôi đón một khách hàng từ Australia qua công tác và người đó có nhờ tôi dắt đi thăm quan những địa điểm nổi tiếng nhất ở TP HCM. Và tất nhiên, trong số đó, vị khách Tấy nhất quyết đòi tôi đưa đến chợ Bến Thành cho bằng được, dù tôi đã cảnh báo ở đó không có gì đặc sắc mà giá bán lại "trên trời".

Sau chuyến đi một vòng quanh chợ Bến Thành, ông bạn của tôi quyết định mua một vài đôi giày có thương hiệu quốc tế để làm quà cho con cái ở nhà. Khi hỏi giá, tiểu thương "hét giá" tới 1,8 triệu đồng một đôi. Do được tôi nhắc nhở từ trước về tình trạng nói thách giá cao trong chợ, nên bạn tôi lập tức trả giá. Bạn dè dặt mặc cả xuống 30% giá bán, tức 1,2 triệu đồng. Không người, bà chủ gật đầu bán luôn.

>> Dừng 'chặt chém' để cứu chợ Bến Thành

Hí hửng mang thành quả về khoe với tôi, vị khách Tây vô cùng hào hứng vì nghĩ mình mua được giá hời, giảm được hẳn một số tiền lớn trong lần đầu học mặc cả ở Việt Nam. Tò mò về món hàng bạn mua, tôi hỏi xin xem qua đôi giày đó. Rồi tôi bật cười vỗ vai an ủi bạn vì đây chỉ là hàng fake (hàng nhái) chứ không phải hàng thật. Mà với mức giá 1,2 triệu đồng bạn mua thì còn quá đắt chứ không phải rẻ.

Sau đó, tôi thử dạo một vòng quanh chợ, tìm mua đúng đôi giày mà bạn đã mua trước đó. Lần này, vì là người Việt, tôi mặc cả thử một triệu đồng cho ba đôi (tức chỉ bằng chưa tới 20% giá họ hô ban đầu). Ấy vậy mà kỳ kèo một hồi tôi vẫn mua được.

Thấy vậy, bạn tôi mới vỡ lẽ rằng mình bị mua hớ, bày tỏ sự ngạc nhiên vì không hiểu sao người Việt lại nói thách nhiều đến vậy, nhất là khi bán cho khách nước ngoài? Tôi cho rằng, giờ đã là thời đại 4.0 rồi, chỉ cần lên mạng tìm kiếm một chút là ai cũng có thể biết chính xác được giá một sản phẩm trong vòng vài giây. Nếu các tiểu thương chợ Bến Thành nói riêng và các chợ truyền thống khác nói chung còn giữ thói quen nói thách như vậy thì có lẽ các khu chợ này sớm muốn cũng chìm vào quên lãng.

Khách nước ngoài nghe tiếng và muốn ghé tới chợ Bến Thành, đó là một tín hiệu đáng mừng với du lịch Việt. Nhưng khi người ta muốn mua quà lưu niệm, tại sao chúng ta không bán đúng giá để cả hai đều có lợi, góp phần xây dựng hình ảnh và con người Việt Nam? Đó cũng chính là cách để ghi điểm và níu chân bạn bè quốc tế. Bằng không, điệp khúc "đến xem cho biết chứ ít chịu bỏ tiền mua" sẽ còn tiếp nối dài dài.

Dien Thoai

Bữa hải sản gần 12 triệu đồng ở Hạ Long đắt hay rẻ? 'Ngại mua hoa Tết vì người bán không niêm yết giá' Du lịch Việt chỉ dành cho người 'đi một lần cho biết' Chặt chém vì nghĩ 'người có tiền mới đi du lịch' Tôi không cam chịu ăn bát phở giá 60.000 đồng chỉ vì lễ, Tết Tôi không chấp nhận bát phở tăng giá 20.000 đồng vì lễ, Tết Bữa hải sản gần 12 triệu đồng ở Hạ Long đắt hay rẻ? 'Ngại mua hoa Tết vì người bán không niêm yết giá' Du lịch Việt chỉ dành cho người 'đi một lần cho biết' Chặt chém vì nghĩ 'người có tiền mới đi du lịch' Tôi không cam chịu ăn bát phở giá 60.000 đồng chỉ vì lễ, Tết Tôi không chấp nhận bát phở tăng giá 20.000 đồng vì lễ, Tết
Tin liên quan
Tin Nổi bật