Vì sao nên sàng lọc nghe kém trẻ sơ sinh?

18/04/2025
|
0 lượt xem
Bệnh Về Tai Các Bệnh Sức Khỏe Tai Mũi Họng
Vì sao nên sàng lọc nghe kém trẻ sơ sinh?

Trả lời:

Trẻ bị suy giảm thính lực không được phát hiện sớm có thể gặp khó khăn trong việc học nói, ảnh hưởng đến khả năng học tập và giao tiếp sau này. Do đó, sàng lọc nghe kém trẻ sơ sinh nhằm phát hiện sớm các vấn đề về thính giác, từ đó can thiệp kịp thời để trẻ phát triển ngôn ngữ, giao tiếp bình thường.

Trẻ được phát hiện giảm thính lực sớm, có thể điều trị kịp thời, dùng máy trợ thính hoặc cấy điện cực ốc tai. Nếu phát hiện muộn, phương pháp điều trị phức tạp hơn, thời gian hồi phục chậm hơn, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Sàng lọc nghe kém trẻ sơ sinh giúp kiểm tra khả năng nghe của trẻ ngay từ những ngày đầu đời. Bạn có thể yên tâm vì đây là phương pháp đơn giản, nhẹ nhàng, nhanh chóng, không xâm lấn và không gây đau cho trẻ. Hiện phương pháp phổ biến để sàng lọc khiếm thính trẻ sơ sinh là đo âm ốc tai (OAE) nhằm kiểm tra khả năng phản xạ của tế bào lông trong ốc tai, đo phản ứng thân não thính giác tự động (AABR) giúp đánh giá mức độ phản ứng của dây thần kinh thính giác và não của trẻ với âm thanh.

Các nghiệm pháp đều nhẹ nhàng, nhanh chóng (10-15 phút) và có thể thực hiện khi bé đang ngủ. Kết quả có ngay sau khi hoàn tất kiểm tra. Sàng lọc nghe kém ở trẻ sơ sinh nên được thực hiện trong vòng một tháng đầu sau sinh. Nếu kết quả ban đầu chưa rõ ràng, trẻ sẽ được kiểm tra lại sau 2-4 tuần. Nếu có dấu hiệu bất thường, bé cần được bác sĩ khám chuyên sâu để có hướng điều trị phù hợp.

Thính lực của trẻ có thể thay đổi theo thời gian, do đó phụ huynh nên cho trẻ từ 4 đến 6 tuổi sàng lọc thính lực hàng năm, sau đó sàng lọc bổ sung ở độ tuổi 8 và 10. Thanh thiếu niên cũng nên sàng lọc thính lực, nhất là khi có dấu hiệu bất thường.

ThS.BS.CKI Diệp Phúc AnhTrung tâm Tai Mũi Họng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật